Các bệnh về mắt thường gặp ở người lớn tuổi

Khi con người già đi, bất kỳ cơ quan, bộ phận nào cũng trải qua quá trình lão hóa và nảy sinh nhiều vấn đề. Hãy cùng tìm hiểu các vấn đề về thị lực thường gặp ở người lớn tuổi qua bài viết dưới đây.

1. Lão thị

Lão thị là tình trạng mắt không thể nhìn rõ các vật thể ở gần hoặc khó đọc rõ những dòng chữ nhỏ.

Đây là một quá trình tự nhiên, diễn ra từ từ khi con người dần dần già đi. Thời điểm bắt đầu nhận thấy thay đổi rõ nhất là khoảng 40 tuổi. Lão thị có thể được khắc phục dễ dàng bằng cách đeo kính.

2. Hiện tượng ruồi bay

Hiện tượng ruồi bay là những đốm nhỏ xuất hiện thoáng qua trong thị trường. Đây là một hiện tượng thường gặp, dễ để ý thấy nhất là khi bước vào một căn phòng có hệ thống đèn rất sáng hoặc mới bước ra ngoài trời nắng mạnh.

Hầu hết hiện tượng ruồi bay là bình thường, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề mắt nặng hơn, đặc biệt là trong trường hợp hiện tượng ruồi bay xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng. Nếu thấy hiện tượng ruồi bay đi kèm với hiện tượng ánh sáng lóe lên đột ngột, rất có thể đó là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bong võng mạc, hãy đi khám ngay lập tức.

3. Khô mắt

Khô mắt là tình trạng xảy ra khi tuyến lệ không sản xuất đủ nước mắt hoặc nước mắt không đủ chất lượng, khiến mắt bị ngứa, rát và có màu đỏ. Suy giảm thị lực là hậu quả hiếm gặp, nhưng nó vẫn có thể xảy ra.

Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng nước mắt nhân tạo để giải quyết tình trạng, hoặc xử lý bằng các can thiệp sâu hơn.

khô mắt
Tình trạng thiếu nước dẫn tới mắt bị khô và suy giảm thị lực

4. Chảy nước mắt

Chảy nước mắt (không liên quan tới cảm xúc) là tình trạng có quá nhiều nước mắt được tiết ra, thường gặp khi cơ thể nhạy cảm với ánh sáng, gió hoặc nhiệt độ thay đổi. Trong những trường hợp như vậy, hãy thử đeo kính mát.

Nếu không cải thiện được, rất có thể mắt đã gặp một tình trạng nào đó nghiêm trọng hơn, như nhiễm khuẩn mắt hoặc tắc tuyến lệ, nhưng đều có thể điều trị được.

5. Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể từ trạng thái trong suốt bình thường dần trở nên mờ đục hoặc trắng đục. Tình trạng này bắt đầu từ một phần của thủy tinh thể, tiến triển dần dần thành toàn bộ thủy tinh thể, khiến cho ánh sáng không thể đi qua để tới được võng mạc.

Đục thủy tinh thể không gây các triệu chứng như đau, đỏ hay chảy nước mắt. Đục thủy tinh thể có thể điều trị bằng thay thủy tinh thể nhân tạo.


6. Glôcôm

Glôcôm là một căn bệnh gây tổn hại tới mắt và thị lực. Nguyên nhân chính của glôcôm là sự nghẽn tắc dòng chảy của thủy dịch ở mắt, khiến áp lực trong mắt tăng lên. Nếu không được can thiệp kịp thời, thị lực có thể mất vĩnh viễn, dẫn tới mù lòa.

Glôcôm có nhiều dạng với các biểu hiện triệu chứng khác nhau, có loại cấp tính với các dấu hiệu rầm rộ dễ nhận biết, nhưng có loại âm thầm gây tổn hại cho mắt trong thời gian dài mà không có biểu hiện gì, do đó cách phát hiện tốt nhất là đi khám mắt định kỳ.

7. Các rối loạn tại võng mạc

Rối loạn tại võng mạc ảnh hưởng tới các tế bào nhận cảm ánh sáng tại đây, từ đó tác động tới quá trình truyền các tín hiệu thu nhận được từ các tế bào này về não bộ để nhận diện hình ảnh.

Rối loạn tại võng mạc gồm nhiều bệnh lý khác nhau, như thoái hóa điểm vàng, bệnh võng mạc đái tháo đườngtắc tĩnh mạch võng mạc, bong võng mạc,...

rối loạn tại võng mạc
Võng mạc đái tháo đường gây ảnh hưởng tới cảm nhận ánh sáng nhận diện hình ảnh

8. Viêm kết mạc

Viêm kết mạc là tình trạng kết mạc tại mắt bị viêm do các nguyên nhân khác nhau, khiến mắt bị ngứa, rát, chảy nước mắt, có màu đỏ và cảm giác khó chịu.

Bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể bị viêm kết mạc, và các nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm khuẩn, phơi nhiễm với hóa chất và chất kích thích, hoặc dị ứng.

9. Bệnh về giác mạc

Giác mạc là một màng trong suốt nằm ở phía trước của mắt. Các bệnh lý, tình trạng nhiễm khuẩn, vết thương, phơi nhiễm với chất độc đều có thể gây tổn hại tới giác mạc. Các triệu chứng thường gặp là đau, đỏ, chảy nước mắt, suy giảm thị lực, hoặc là nhìn thấy quầng sáng.

10. Các vấn đề về mí mắt

Mí mắt có chức năng bảo vệ mắt, thoát nước mắt ra ngoài và giới hạn lượng ánh sáng vào trong mắt. Phần mí mắt xung quanh chỗ mọc lông mi có thể bị viêm. Các triệu chứng thường gặp khi mí mắt có vấn đề là đau, ngứa, và chảy nước mắt.

11. Viêm động mạch thái dương

Viêm động mạch thái dương (hay viêm động mạch tế bào khổng lồ) là tình trạng động mạch vùng thái dương và cả các động mạch khác bị viêm và nghẽn tắc.

Các dấu hiệu ban đầu có thể là đau đầu nặng, đau khi nhai, căng tức vùng thái dương. Sau vài tuần, đột ngột thị lực một bên mất đi, và thị lực bên còn lại cũng sẽ mất theo mau chóng. Các triệu chứng khác bao gồm đau khớp, sụt cân, và sốt nhẹ.

Viêm động mạch thái dương hiện nay được coi là một bệnh tự miễn, nghĩa là vì một lý do nào đó mà hệ miễn dịch tấn công và gây tổn hại cho chính cả các bộ phận bình thường của cơ thể. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể giúp tránh được việc mất thị lực, và điều này rất quan trọng, bởi trong bệnh cảnh này một khi đã mất thị lực thì gần như sẽ là mất vĩnh viễn. Nếu đột ngột mất thị lực một bên, hãy đi cấp cứu ngay lập tức để giữ hy vọng bảo tồn thị lực bên còn lại.


Không có nhận xét nào